QUY ĐỊNH ĐĂNG KIỂM MỚI TỪ 01.10.2021 MÀ LÁI XE CẦN BIẾT
30/09/2021
Từ ngày 1.10.2021 tới đây, thủ tục đăng kiểm kiểm định xe cơ giới, đặc biệt với ô tô kinh doanh vận tải sẽ có nhiều điểm mới theo quy định tại Thông tư 16/2021 do Bộ Giao thông Vận tải ban hành.
Đăng kiểm xe ô tô được xem là một thủ tục bắt buộc theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải đối với những ai đang sở hữu xe ô tô tại Việt Nam. Theo đó, tùy theo từng loại xe, năm sản xuất cơ quan chuyên ngành đăng kiểm sẽ đưa ra các tiêu chí kiểm định theo chu kỳ thời gian cụ thể để đánh giá xem liệu xe có đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật hay không?
Tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 1.10.2021 tới đây, thủ tục kiểm định xe cơ giới, đặc biệt với ô tô kinh doanh vận tải sẽ có nhiều điểm mới theo quy định tại Thông tư 16/2021 do Bộ Giao thông Vận tải ban hành thay cho Thông tư 70/2015. Dưới đây là 5 quy định mới về đăng kiểm ô tô từ ngày 1.10.2021, các chủ xe cần biết:
DƯỚI ĐÂY LÀ 5 QUY ĐỊNH ĐĂNG KIỂM MỚI TỪ 01.10.2021
1. Điều chỉnh chu kỳ kiểm định ô tô kinh doanh vận tải
Theo Phụ lục XI Thông tư 16/2021/TT-BGTVT, Bộ Giao thông Vận tải chính thức tăng chu kỳ kiểm định đối với ô tô chở người các loại đến 09 chỗ có kinh doanh vận tải.
Cụ thể, chu kỳ kiểm định của ô tô chở người các loại đến 09 chỗ (sản xuất đến 05 năm) có kinh doanh vận tải được điều chỉnh từ 18 tháng lên 24 tháng đối với chu kỳ đầu và từ 06 tháng lên 12 tháng đối với các chu kỳ tiếp theo.
Với xe trên 05 năm, chu kỳ đăng kiểm định kỳ là 06 tháng/lần như hiện nay.
Đối với những xe dưới 9 chỗ có cải tạo, thời gian đăng kiểm vẫn được giữ nguyên là 12 tháng và 06 tháng như hiện nay.
2. Không phải xuất trình bảo hiểm xe khi lập Hồ sơ phương tiện
Việc lập Hồ sơ phương tiện được thực hiện khi xe cơ giới kiểm định lần đầu để tham gia giao thông. Khi đưa xe cơ giới đến đơn vị đăng kiểm để kiểm định và lập Hồ sơ phương tiện, chủ xe cần xuất trình, nộp các giấy tờ sau:
1- Xuất trình bản chính giấy đăng ký xe do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc;
- Bản sao giấy đăng ký xe có xác nhận của ngân hàng đang cầm giữ (còn hiệu lực) hoặc;
- Bản sao giấy đăng ký xe có xác nhận của tổ chức cho thuê tài chính (còn hiệu lực) hoặc;
- Giấy hẹn cấp giấy đăng ký xe (còn hiệu lực).
Từ 01/10/2021, xuất trình:
- Bản chính Giấy đăng ký xe do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc;
- Giấy biên nhận giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đang thế chấp của tổ chức tín dụng hoặc;
- Giấy hẹn cấp Giấy đăng ký.
2- Xuất trình bản chính Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực (sắp tới, không cần xuất trình);
3- Nộp giấy tờ chứng minh nguồn gốc phương tiện, gồm một trong các giấy tờ sau: Bản sao Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp trong nước; Bản sao có chứng thực quyết định tịch thu bán đấu giá của cấp có thẩm quyền đối với xe cơ giới bị tịch thu bán đấu giá; Bản sao có chứng thực quyết định thanh lý đối với xe cơ giới của lực lượng quốc phòng, công an; Bản sao có chứng thực quyết định bán xe dự trữ Quốc gia (từ 01/10/2021, chỉ cần nộp Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp trong nước);
4- Nộp bản chính Giấy chứng nhận chất lượng ATKT và BVMT xe cơ giới cải tạo (đối với xe cơ giới mới cải tạo).
3. Thêm trường hợp không phải lập Hồ sơ phương tiện
Hồ sơ phương tiện gồm Phiếu lập hồ sơ phương tiện và các giấy tờ liên quan đến thông tin hành chính, thông số kỹ thuật, kể cả những thay đổi trong suốt quá trình sử dụng xe cơ giới (theo khoản 8 Điều 3 Thông tư 16/2021/TT-BGTVT).
Theo đó, việc lập Hồ sơ phương tiện được thực hiện khi xe cơ giới kiểm định lần đầu để tham gia giao thông (trường hợp kiểm định lần đầu để cấp Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định có thời hạn hiệu lực 15 ngày thì không lập Hồ sơ phương tiện).
Đối chiếu với khoản 3 Điều 9 Thông tư này, các trường hợp sau đây không phải thực hiện thủ tục lập Hồ sơ phương tiện:
- Xe cơ giới bị cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định do quá hạn giải quyết vi phạm hành chính về giao thông.
- Xe cơ giới đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ chuyển vùng; xe cơ giới đã được cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo; xe cơ giới mới sản xuất lắp ráp đã có Phiếu kiểm tra xuất xưởng; xe cơ giới nhập khẩu đã có Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu; xe cơ giới xuất khẩu đã có Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe sản xuất lắp ráp (trường hợp không có Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe sản xuất lắp ráp phải có tài liệu của nhà sản xuất) có nhu cầu tham gia giao thông để di chuyển về địa điểm xác định.
- Xe cơ giới có nhu cầu di chuyển để phục vụ nghiên cứu, thử nghiệm trước khi thực hiện chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe cơ giới.
4. Phải khai báo về việc kinh doanh vận tải
Hiện nay, khi đưa xe cơ giới đến Đơn vị đăng kiểm để kiểm định, chủ xe cần xuất trình, nộp các giấy tờ và cung cấp các thông tin sau:
- Các giấy tờ nêu tại mục 2 của bài viết này trừ giấy tờ chứng minh nguồn gốc phương tiện;
- Thông tin về tên đăng nhập, mật khẩu truy cập và địa chỉ trang WEB quản lý thiết bị giám sát hành trình đối với xe cơ giới thuộc đối tượng phải lắp thiết bị giám sát hành trình.
Sắp tới đây, chủ xe còn phải khai báo về việc kinh doanh vận tải vào Phiếu theo dõi hồ sơ theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 16/2021.
5. Có tem kiểm định riêng cho xe kinh doanh vận tải
Ngoài những điểm mới nêu trên, không thể không kể đến quy định mới về mẫu tem kiểm định phân biệt xe kinh doanh vận tải và xe không kinh doanh vận tải.
Theo đó, sẽ dùng mẫu tem kiểm định màu vàng cam cho xe ô ô kinh doanh vận tải và màu xanh cho xe không kinh doanh có màu xanh để nhận diện hai loại xe trên.
Lưu ý: Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định do các đơn vị đăng kiểm đã cấp cho xe cơ giới trước ngày 01/10/2021 vẫn có giá trị cho đến hết thời hạn hiệu lực.
Nếu còn vấn đề vướng mắc liên quan đến đăng kiểm xe ô tô, bạn đọc liên hệ: 0983.86.3338 để được giải đáp.
0 nhận xét